Hoài niệm Nga

Olga Berggolts

       Khi đến nước Nga, nhất là đến thành phố Saint Petersburg, du khách thường được nghe nói đến tên tuổi của Pushkin: nhà thơ của tâm hồn Nga, nhà thơ của thiên nhiên Nga, nhà thơ của ngôn ngữ Nga.

       Nhưng Petersburg không chỉ gắn bó với tên tuổi của Pushkin. Trong hơn 3 thế kỷ hình thành và phát triển của mình, đã có biết bao nhà văn, nhà thơ thiên tài khác góp phần làm nên phong cách hào hoa, trữ tình cho thành phố này. Trong thế kỷ 20, một nhà thơ khác được  coi như là tiếng nói của Petersburg là một nhà thơ nữ: nhà thơ Olga Berggolts.

1-Peterburg và Olga Berggolts 

       Olga Berggolts trải qua một cuộc đời với rất nhiều thăng trầm, thử thách cũng như sự  trôi nổi của chính thành phố Saint Petersburg. Bà đã sinh năm 1910 trong một gia đình bác sỹ ở Petersburg. Bà tốt nghiệp khoa ngôn ngữ trường đại học tổng hợp Petersburg và trải qua 3 năm làm phóng viên cho tờ tạp chí “Thảo nguyên Liên Xô” tại nước cộng hòa Kazakstan. Trong thời gian này bà đã cho ra đời cuốn sách “Nơi heo hút”. Năm 1933 Olga Berggolts trở lại Saint Petersburg và đã gắn bó cuộc  của mình với thành phố này cho đến những ngày cuối cùng của đời mình.

       Người ta biết đến tên tuổi của Olga Berggolts từ năm 1935, sau khi bà cho ra đời ba tuyển tập truyện ngắn và thơ mang tên “Những năm xung phong”, “Đêm trong thế giới mới” và “Tuyển tập thơ”.

       Năm 1938, cũng như nhiều nhà thơ, nhà văn Nga khác, Olga Berggolts bị bắt vì tội chống lại nhân dân và phải ngồi tù 7 tháng. Mãi tới giữa năm 1939 bà mới được  trả tự do và hòan tòan được phục hồi danh dự. May mắn hơn nhiều người khác, bà được trở về với đời thường, nhưng dấu ấn của những ngày tháng trong tù còn đeo đuổi theo bà suốt cả cuộc đời.

       Olga Berggolts đã chia sẻ với Peterburg suốt cả 1000 ngày đêm bị bao vây trong chiến tranh thế giới lần thứ 2. Bà làm việc trong đài phát thanh của thành phố và chính thời gian này tên tuổi của bà đã được biết đến như một nhà thơ vừa trữ tình vừa quả cảm của thành phố Peterburg.

       Cũng như Pushkin, Olga Berggolts không chỉ làm thơ, mà còn viết rất nhiều truyện ngắn, truyện vừa, trường ca, tiểu luận...Ngay cả thơ của bà cũng gồm nhiều chủ đề khác nhau và tình ca chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong đó. Nhưng những bài thơ vượt  thời gian đến với chúng ta hôm nay chủ yếu lại là những bài thơ đượm chất trữ tình.

       Hôm nay chúng tôi muốn giới thiệu với các bạn 2 bài thơ đặc sắc nhất của bà, cả hai bài đều là những bài thơ tuyệt tác về mùa thu. Bài “Mùa lá rụng” để diễn tả mùa thu ở Moskva và bài “Mùa hè rớt” để nói về mùa thu ở Saint Peterburg. Olga Berggolts mất năm 1975 tại Peterbrg. Tên của bà được đặt cho một con phố giữa trung tâm của Peterburg, ngang hàng với những tên tuổi đã làm nên lịch sử  và cuộc sống của thành phố này.

2-Mùa thu nước Nga

       Theo lịch thiên nhiên, mùa thu kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11. Nhưng trên thực tế, mùa thu mà các nhà văn, nhà thơ, họa sỹ hay nói đến không kéo dài lâu như vậy. Cái khỏanh khắc mà người ta ca ngợi chỉ kéo dài lâu nhất là 1 đến 2 tuần lễ. Cuối tháng 9, trước khi những đợt gió lạnh, và những cơn mưa dài lê thê đổ xuống, thiên nhiên hào phóng ban tặng cho mặt đất một khỏang thời gian ấm áp, đẹp đẽ lạ thường.  Cái khỏang thời gian  tuyệt đẹp đó các nhà thơ gọi là mùa hè rớt, hay mùa hè của các bà, mùa lá rụng, còn các họa sỹ thì gọi đó là mùa thu vàng. Dù được gọi bằng cái tên gì, thì khỏanh khắc tuyệt đẹp đó cũng chỉ là một. Nó vừa ngắn ngủi, vừa mong manh, vừa hiếm khi gặp được, bởi nó kéo dài nhiều nhất cũng chỉ hai tuần và không phải năm nào cũng có. Một đợt mưa đến sớm, mặt trời không xuất hiện, những trận gió bất ngờ...thế là hỏng cả mùa thu mong đợi.

       Mãi đến thời kỳ của Pie Đại đế trị vì vào thế kỷ thứ 18 nước Nga mới đón Năm mới vào ngày 1 tháng 1 như bây giờ. Trước đó, trong nhiều thế kỷ, người Nga đón Năm mới vào ngày 1 tháng 9. Tháng 9 là thời điểm các công việc đồng áng vất vả đã chấm dứt, các lãnh chúa cũng như địa chủ đã thanh tóan tất cả tiền công cho nông dân.

       Bắt đầu từ ngày lễ Thánh Ivan Đại Trai 29 tháng 8, khắp nơi trong nước Nga người ta tổ chức các hội chợ, vừa là nơi mang bán các nông sản phẩm thu họach được, vừa là nơi hội hè, vui chơi sau một năm làm việc vất vả. Chính vào thời điểm này, thiên nhiên ban tặng cho con người một khỏang thời gian ấm áp cuối cùng trước khi mùa đông đến, và ở Nga người ta tận hưởng những ngày ấp áp đẹp đẽ này để tổ chức lễ hội, các bà các chị rủ nhau may áo mới, đi hát đối tại các hội chợ, làm những lọai bánh ngon nhất để thết đãi các đức ông chồng, các chàng trai đang ngấp nghé dạm hỏi.

       Chính vì vậy mà khỏang thời gian mùa thu ấp áp này được gọi là... mùa thu của các quý bà hay là mùa hè rớt.... Người ta ví, mùa xuân như cô dâu chưa về nhà chồng, rực rỡ, e lệ và đỏng đảnh,  mùa hè như cô vợ mới cưới , nồng nàn, cháy bỏng và bồng bột . 

       Còn mùa hè rớt như người phụ nữ hồi xuân vừa đằm thắm, vừa thiết tha mà vẫn không kém phần tuyệt mỹ.

3-Hai bài thơ tình của Olga Berggolts

       Olga Berggolts để lại rất nhiều bài thơ tình, nhưng có lẽ hai bài thơ về mùa thu của bà là tuyệt sắc nhất. Hai bài thơ mùa thu của bà không chỉ đẹp về ngôn ngữ, sâu sắc về nội dung mà nó còn hết sức đậm đà nữ tính.

       Bài thơ “Mùa lá rụng” Olga Berggolts làm năm 1938, khi mới 28 tuổi. Bài thơ được làm trong bối cảnh mùa thu của Moskva, thành phố nơi người yêu của bà đang sống.

Mùa thu Moskva có gì lạ. Chúng ta hãy nghe Olga Berggolts tả lại:

Những đàn sếu bay qua, sương mù và khói tỏa

Trên Mạc Tư Khoa lại đã thu rồi

Những khu vườn như lửa cháy sáng ngời

Vòm lá sẵm, ánh vằng lên rực rỡ

Những tấm biển treo dọc trên đại lộ

Nhắc những ai đi ngang, dù đầy đủ lứa đôi,

Nhắc cả những ai cô độc trên đời

“Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng”

       Olga Berggolts lên thăm người yêu, nhưng cũng là cuộc gặp gỡ cuối cùng khi tình yêu tan vỡ, để rồi một mình ra nhà ga trong những tiếng mưa rơi.  Nhưng rất lạ, những cơn mưa mùa thu thường lạnh buốt, cũng như tình yêu khi tan vỡ thường làm người ta tuyệt vọng. Nhưng Olga Berggolts lại có đủ nghị lực để nhìn thấy cái ấm áp của cơn mưa, cũng như nhìn thấy cuộc đời vẫn tiếp tục, dù tình yêu tan vỡ

Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi

Cơn mưa thầm thì trong lúc chia tay

Mưa chan hòa, mưa ấm áp nhường nào

Mưa run rẩy trong ánh chiều nhấp nhóang

Anh hãy vui lên dẫu con đường hai ngả

Tìm hạnh phúc bình yên trong ấm áp cơn mưa

       Mùa thu Moskva rất lạ, trên khắp những đường phố có cây xanh, người ta gắn những tấm biển nhỏ: đừng động vào cây mùa lá rụng. Người Nga cũng rất hay dùng câu thành ngữ: “đừng rắc muối lên những vết thương lòng”. Phải chăng cái mong manh như lá mùa thu đã dậy cho con người bài học biết bao dung, tha thứ và yêu thương?

“Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng”

Nhắc suốt đừơng cũng chỉ bấy nhiêu thôi...

       Bài “Mùa hè rớt” Olga Berggolts ấp ủ trong suốt 4 năm từ năm 1956, đến năm 1960 mới hòan thành, khi đó bà đã 50 tuổi, đúng là cái tuổi của “mùa hè rớt”, cái tuổi để biết nhẫn nhịn và quý trọng tình yêu hơn.

 Có một mùa trong sáng diệu kỳ

Sức nóng êm ru, mầu trời không chói

Mùa hè rớt cho những người yếu đuối

Cứ ngỡ ngàng như trời mới vào xuân

 Trên má mơ hồ tơ nhện bay giăng

Se sẽ như không, nhẹ nhàng phơ phất

Lanh lảnh bầy chim bay đi muộn nhất

Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu

 Những trận mưa rào đã tắt từ lâu

Tất cả thấm trên cánh đồng lặng sẫm

Hạnh phút được yêu đã ít hơn xưa

Ghen tuông dù chua chát cũng thưa hơn

 Ôi cái mùa độ lượng rất thân thong

Ta tiếp nhận người vì người sâu sắc quá

Nhưng vẫn nhớ trới ơi tôi vẫn nhớ!

Tình yêu đâu? Rựng lặng bóng sao im…

 Sao ơi sao, sao sắp rụng vào đêm

Ta biết lắm thời gian đang vĩnh biệt

Yêu thương,

           Giận hờn,

                        Tha thứ

                                    Chia tay….

       Đấy, Olga Berggol đã diễn tả mùa hè rớt như vậy đó: vừa dịu dàng, vừa rực rỡ vừa nhẫn nại chịu đựng. Mùa thu là lúc người ta tận hưởng thành quả của cả mùa hè và mùa xuân vất vả lao động. Mùa thu dậy cho con người biết quý trọng những hạnh phúc đơn sơ mà mình có được: những bông hoa cuối cùng, những tia nắng ấm cuối cùng, một bầu trời xanh hiếm muộn ló ra, cũng như người ta bỗng cảm thấy thật hối tiếc khi nghĩ về một cuộc tình đẹp đẽ tan vỡ thời tuổi trẻ.

       Người ta thường nghĩ, mùa thu là mùa của chia ly, mùa của tàn tạ và có cảm giác sợ mùa thu. Nhưng Olga Berggolts chỉ cho chúng ta thấy một thông điệp hòan tòan khác của thiên nhiên: Hãy biết quý trọng tất cả những gì chúng ta đang có. Hạnh phúc cũng mong manh như lá thu, hãy nâng niu khi nó còn ở trên cành.

Lan Hương

 

 

 

Facebook chat
Facebook chat